Ông Lý Sa Rinh – người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết : “ Khoảng mười mấy năm về trước, số hộ gia đình người Khmer ở Tân Hưng có tivi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tờ báo in được chuyển về từ Trung ương, tỉnh …thì chỉ có cán bộ xã và giáo viên hay ở thư viện huyện mới có để đọc. Nhưng mấy năm nay thì khác rồi, tất cả các phum, sóc Khmer của xã đều được phủ sóng phát thanh – truyền hình, có thư viện, có nhà văn hóa xã, kể cả nhà sinh hoạt cộng đồng ấp … đều có tờ báo và được Nhà nước cấp miến phí, được chuyển về tận tay trưởng ban Nhân dân ấp và người có uy tín ở từng xóm, ấp. Vui nhất là xã đã có mạng Internet, việc gởi chuyển văn bản, giấy tờ qua thư điện tử được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều”.
Khi “ Văn hóa nghe nhìn” được phủ sóng đến từng phum, sóc Khmer, đã thực sự mang đến cho bà con người dân tộc những “ Món ăn tinh thần” vô cùng bổ ích. Qua đọc báo và xem tivi, bà con không chỉ cập nhật được tình hình thời sự của địa phương, trong nước và quốc tế, mà còn nắm được các kiến thức khoa học – kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, biết cách phòng trị bệnh, ăn chính, uống sôi, thắt chặt tình nghĩa xóm giềng, biết giữ gìn an ninh trật tự, không vi phạm pháp luật, biết bảo tồn và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc
Chú thích ảnh: Đời sống văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc
Chú Kim Sang người dân ở ấp Khoan Tang thị trấn Long Phú vui vẽ kể : “ Hiện nay, Đài phát thanh – Truyền hình và Báo Sóc Trăng đều phát hai thứ tiếng, mỗi buổi chiều đi ruộng, vườn về, cơm, nước xong thì tôi xem tin tức thời sự qua kênh truyền hình, khi xem tin dự báo thời tiết xong, thì tôi mới đi nghỉ, buổi sáng khi Đài truyền thanh của huyện phát lên, thì tôi thức dậy tập thể dục nhằm nâng cao sức khỏe và nghe tin tức thời sự của huyện, buổi trưa thì đọc báo, tìm hiểu kiến thức mới để áp dụng vào cuộc sống của mình, nếu không đọc báo thì nằm nghe radio, nói chung cái nào tiện thì sử dụng, chủ yếu đem lại lợi ích cho bản thân, hay lúc lao động mệt nhọc, nghe để giải trí cũng được.”
Cũng tương tự như chú Kim Sang, chú Lâm Si Thu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Trường Khánh, mặc dù chú luôn bận bịu với nhiều công việc của nhà chùa và trách nhiệm đối với phum, sóc của một người có uy tín, đồng thời còn lo phát triển kinh tế của gia đình … nhưng chú vẫn thường xuyên đọc báo và xem thời sự vào mỗi buổi tối. Chúng tôi có dịp đến nhà chú trong những ngày chú đi vận động con em đồng bào dân tộc Khmer đến trường, chú cho biết : “ Vấn đề mà tôi quan tâm nhất là những chính sách của Đảng và Nhà nước đang đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trong đó, có xã nông thôn mới của chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng thường xem chương trình phổ biến kiến thức khoa học – kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe để vận dụng vào cuộc sống và hướng dẫn bà con làm theo”.
Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong vùng đồng bào Khmer huyện Long Phú được tổ chức triển khai đồng bộ thu hút đông đảo bà con tham gia, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào dân tộc không ngừng được nâng lên. Thời gian tới, Long Phú tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục xây dựng và quản lý tốt các thiết chế văn hóa, thông tin tuyên truyền, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư, ấp văn hóa, quản lý và thực hiện quy ước, hương ước cho đồng bào dân tộc trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội truyền thống, theo dõi nắm bắt kịp thời công tác dân tộc, tôn giáo, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với mục tiêu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
Nhờ nắm bắt được tin tức, thời sự, các thông tin từ báo, đài, internet … cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Phú đã có nhiều thay đổi tích cực, trình độ dân trí được nâng lên, mọi lĩnh vực đều khởi sắc.
Bài và ảnh: Sóc Ca.